-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-

VÕ DUY NINH _ Tổng trấn thành Biên Hòa Gia Định
27/03/2021 Đăng bởi: VÒNG SIN LÀNH
Có một con đường ở quận Bình Thạnh TP Hồ Chí Minh mang tên Võ Duy Ninh...
Ai cũng biết đó là tên một sỹ phu yêu nước, nhưng thân thế và sự nghiệp của ông thì không phải ai cũng biết rõ, ngay cả những con người đang sống trên đường phố mang tên ông.
Lật lại trang sử viết về những người anh hùng vị quốc vong thân dưới triều nhà Nguyễn và cuốn “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” của sử gia Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Bá Thế, vị tướng được nhắc tên đầu tiên chính là Võ Duy Ninh, tổng đốc Biên Hoà - Gia Định, vị tướng lãnh cao cấp hy sinh đầu tiên trong Nam thời giặc Pháp cướp nước ta (ngày 17/2/1859).
Noi gương ông, mấy chục năm sau, ở vùng miền nào cũng có những người anh hùng vị quốc vong thân như Trương Công Định (1864), Nguyễn Tri Phương (1873), Hoàng Diệu (1882), Phan Đình Phùng (1896)... Thế nhưng trong sử sách, Tổng trấn thành Gia Định - Võ Duy Ninh, người anh hùng vị quốc vong thân đầu tiên trong lịch sử chống thực dân Pháp, được ghi trong chính sử rất sơ lược. Dưới triều nhà Nguyễn, làm tướng để mất thành, chiếu theo luật, vua Tự Đức cho tước bỏ phẩm hàm. Mãi đến năm Bảo Đại thứ 6 (1931) sau 72 năm tuẫn tiết bảo vệ thành, Võ Duy Ninh mới được phục hồi phẩm hàm và được vua ban di sắc, ý nói hoàn cảnh của ông chỉ là do vua lúc đó không thấu hết.
Võ Duy Ninh sinh năm 1804 tại làng Đại An, xã Hành Phong (nay là xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), ông là con thứ (tức con giữa) của một gia đình ba anh em trai. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), Võ Duy Ninh đỗ cử nhân khoa Giáp Ngọ, tại trường thi Thừa Thiên, ông là người văn hay, chữ tốt, có giọng đọc hay nên nhiều lần làm lễ tế đàn ở Nam Giao, vua Tự Đức đều triệu ông đến đọc văn tế. Sau khi đỗ cử nhân, ông được làm Hành tẩu bộ Lại, đến năm Tự Đức thứ nhất (1847) được làm Bố chánh sứ tỉnh Phú Yên, năm 1848 được cử làm Chánh chủ khảo trường thi Hương, Thanh Hóa. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), ông được triều đình điều về làm Tham tri bộ Lại, năm Bính Thìn (1856) được bổ nhiệm làm quan Duyệt quyển khoa thi Hội.
Tháng 7 năm Mậu Ngọ (1858), năm Tự Đức thứ 11, thực dân Pháp nổ súng đánh Đà Nẵng. Trong lúc quân triều đình, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, thực hiện cuộc chống trả tương đối có hiệu quả, cầm chân quân Pháp tại Đà Nẵng, thì mẫu thân Võ Duy Ninh mất, ông về quê chịu tang mẹ (3 tháng). Tháng 11 năm 1858, triều đình cử ông vào Nam Kỳ giữ chức Hộ đốc thành Gia Định. Thành này xây lại năm 1837 gần bên thành Bát quái, kiểu Vauban của Pháp, là một thành vuông vức mỗi bề 475 mét. Trong thành số quân hơn 2.000, đại bác 200 khẩu, thuốc súng 80.000 kilô, nhiều bạc nén, nhất là nhiều thóc, thóc đủ nuôi một vạn quân trong một năm. Làm hộ đốc thành Gia Định được một năm, đầu năm 1859, Võ Duy Ninh được thăng làm Tổng trấn Định - Biên, cai quản hai tỉnh Gia Định và Biên Hòa. Ông nhậm chức Tổng trấn được hai ngày thì quân Pháp nổ súng tấn công Cần Giờ - Gia Định. Cuộc chiến đấu chống giặc Pháp từ Cần Giờ đến thành Gia Định diễn ra trong gần một tháng trời với ưu thế về vũ khí nghiêng hẳn về phía quân Pháp.
Nhận thức được tiềm lực của quân Pháp, một mặt Võ Duy Ninh tìm cách gọi quân cứu viện từ các tỉnh đến cứu thành, một mặt chấn chỉnh đội ngũ và tinh thần binh lính. Khi quân Pháp ồ ạt tiến vào cửa thành, bắn phá các pháo đài dọc sông và tiến thẳng vào thành Gia Định, Võ Duy Ninh đốc thúc quân đội kháng cự dũng mãnh, song không giữ nổi thành trước binh lực mạnh áp đảo của địch, chỉ sau vài ngày, quân Pháp đã vào được thành.Tổng trấn Võ Duy Ninh trong chiến trận trúng đạn trọng thương bất tỉnh. Ông được quân sỹ cõng về làng Phước Lý thuộc huyện Phước Lộc. Sau khi tỉnh dậy, biết được quân Pháp đã chiếm được thành Gia Định, ông rút gươm tự sát vào ngày 17/2/1859.
Sau khi lấy được thành, ngày 18/3/1859 quân Pháp đặt mấy chục ổ thuốc nổ phá tung nhiều đoạn tường thành, đốt dinh thự kho tàng bên trong, đốt cả lúa thóc. Người ta kể lại rằng, kho thóc thành Gia Định cháy mãi đến hai năm mà khói còn nghi ngút.
Tin thành Gia Định thất thủ về đến triều đình, chiếu theo luật, vua Tự Đức cho tước bỏ phẩm hàm của Tổng trấn Võ Duy Ninh. Nhờ quan Khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi đi Nam Kỳ, rõ được sự tình liền làm ba tờ sớ tấu xin vua cho tìm hài cốt của Võ Duy Ninh mang về. Lần thứ ba vua Tự Đức mới chuẩn tấu sau khi đã phạt Nguyễn Bá Nghi 3 tháng lương bổng.
Khi vua Tự Đức chấp nhận cho gia đình cải táng hài cốt của Võ Duy Ninh, bà chánh thất của ông là Đào Thị Thạnh (con gái của Thượng thư bộ Lại Đào Nguyên Phổ), cùng người con trai là Võ Duy Lập (16 tuổi) lặn lội vào Bà Chiểu mất một năm trời mới tìm được hài cốt Tổng đốc và ba tháng ròng rã nữa mới đưa được hài cốt của ông về an táng tại xã Chánh Lộ (thành phố Quảng Ngãi ngày nay). Năm Bảo Đại thứ 6, Võ Duy Ninh được triều đình phục hồi phẩm hàm và ban di sắc phong. Năm 1987, họ tộc Võ cải táng hài cốt Võ Duy Ninh về thôn Xuân An, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Khi bốc mộ, gia đình thấy phía dưới lưng ông có chất bột màu đỏ, do chiếc áo liệm xác ông phân hủy. Có lẽ đó là chiếc áo trận của một viên võ quan cao cấp thời xưa. Còn có thêm một dây đai bằng vàng (hơn một chỉ vàng) đính ở mũ, 4 khuy nút bằng đồng mạ vàng và 4 chiếc nút áo bằng mã não. Các di vật này hiện lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ngãi
Sau khi Võ Duy Ninh “tuẫn tiết theo thành”, noi gương trung liệt của cha và cũng là trả thù nhà đến nợ nước, Võ Duy Lập gia nhập nghĩa quân của Trương Công Định, tiếp tục chống Pháp, trở thành người anh hùng nghĩa quân, khai sinh ra chiến khu Đồng Tháp Mười, chiến đấu trong 5 năm tới ngày hy sinh (1866), được nghĩa quân tôn phong là “Thiên hộ Vương”, trở thành huyền thoại tượng trưng sự bất khất ngoan cường của người dân Nam Bộ chống thực dân Pháp xâm lược. Sau khi Thiên hộ Vương Võ Duy Lập mất, giặc Pháp đã truy tìm tung tích con cháu người anh hùng để truy sát. Con cháu của người phải thay tên đổi họ và ly tán khắp nơi. Ngày nay, con cháu của vị tổng đốc thành Biên Hoà - Gia Định, nhiều người trưởng thành nổi danh trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế. Tiêu biểu như hậu duệ đời thứ 5 là ông Võ Hồng Sơn - Phó TBT Báo Sài Gòn giải phóng. Ông Võ Thành Tân là doanh nghiệp trẻ được mệnh danh là “Ông vua sách”, quản lý 46 siêu thị sách trên 63 tỉnh thành cả nước với trên 3.000 cán bộ nhân viên, doanh thu hàng năm nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng, đưa sách chở tri thức tới mọi người mọi miền quê đất nước.
Hậu duệ của tổng đốc Võ Duy Ninh tự hào với truyền thống của gia tộc, tổ tiên, họ đang gắng sức mình góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh thêm giàu đẹp.
Nguyễn Đức Thuận - Kim Châu