-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Gặp Vua sách Thành Nghĩa
27/03/2021 Đăng bởi: VÒNG SIN LÀNHCon đường lập nghiệp 18 năm qua, Võ Thành Tân đi lên bằng chính đôi chân của mình, người bán báo dạo, để trở thành “vua sách” quản lý 41 siêu thị sách trên 63 tỉnh thành phố, với trên 3.000 cán bộ, nhân viên, doanh thu hàng năm đạt hàng trăm tỷ đồng, nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng. “Vua sách” ấy chính là hậu duệ đời thứ 5 của Tổng đốc thành Gia Định - Biên Hoà - Võ Duy Ninh - người Anh hùng giữ thành đã hy sinh vì nước năm 1859, nêu tấm gương nghĩa khí một đời vị quốc vong thân.
Sách - người thầy lớn
Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, có tới 8 người con, ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Đất nghèo nuôi chí anh hùng, miền quê núi Ấn, sông Trà nơi sinh ra bao chí phu yêu nước, như một niềm tự hào, theo suốt những năm tháng tuổi thơ của Võ Thành Tân. Những năm tháng ấy, gia đình, làng quê anh vẫn đói cơm, áo chưa đủ ấm, nhưng sự hiếu học của truyền thống gia đình, quê hương đã hun đúc trong anh một nghị lực vươn lên, một khát vọng làm giàu cho chính mình, cho mọi người, cho cuộc đời thêm tươi sáng.
“Không thầy đố mày làm nên”! Câu tục ngữ ấy cho Võ Thành Tân hiểu “thầy” ở đây - không chỉ ở trong trường học, mà còn có “thầy” ở cuộc đời, “thầy” trên những trang sách. Và anh đã tìm đến với tất cả những người “thầy”, từ khi còn là cậu họ trò nhỏ, mang tơi đội nón trên đường làng trơn trượt, cơm không đủ ăn, sách không có đọc, tới khi lao vào cuộc sống mưu sinh của chàng sinh viên ra trường thất nghiệp. Chính lúc này, anh đã tìm gặp những người thầy trong trang sách rộng mở, cho anh kho kiến thức của nhân loại, khiến anh đam mê, khiến anh khát khao, niềm khao khát đưa sách nguồn tri thức vô tận, đến với người đọc. Tri thức là chiếc chìa khoá mở ra lâu đài của những sự thành công. Anh nói: “Nếu kinh doanh sách tôi lãi một thì người đọc lãi mười”. Bởi những trang sách hay sẽ mang đến cho hàng vạn, hàng triệu người đọc sách, bản lĩnh làm người, kinh doanh sáng tạo, hay chí ít cũng có cả vạn người, triệu người nuôi chí vươn lên thoát khỏi đói nghèo, mở rộng vòng tay nhân ái...
Sau 18 năm khởi nghiệp, bây giờ doanh nghiệp của anh như thiếu nữ dậy thì tươi xinh. Võ Thành Tân có quyền tự hào với cương vị Tổng giám đốc Công ty Sách Thành Nghĩa có thương hiệu, trở thành “vua sách”, với hệ thống 46 chi nhánh phát hành sách trên 63 tỉnh, thành phố cả nước, trở thành kênh phân phối sách lớn nhất trong toàn quốc và mỗi ngày đưa đến tay bạn đọc hàng trăm nghìn cuốn sách các loại.
Tâm - tài toả sáng
Để trở thành nhà doanh nghịêp có thương hiệu đầy uy tín hôm nay, cái tâm, cái tài đã hội tụ và cùng toả sáng trong con người Võ Thành Tân. Không có sự thành công nào mà không thấm những giọt mồ hôi nước mắt với sự quyết tâm, nhạy bén và lòng đam mê. Sách là niềm đam mê từ thuở thiếu thời của cậu học sinh nghèo ở làng quê Núi Ấn, sông Trà. Niềm đam mê chỉ có thể thành công với lòng quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng. Ai dám bảo với hai bàn tay trắng, Võ Thành Tân lại thành công trong lĩnh vực kinh doanh sách, văn hoá phẩm? Bây giờ, khi đã là Tổng giám đốc Công ty Sách Thành Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), doanh nghiệp phát hành sách lớn hàng đầu cả nước, anh vẫn không thể quên ngày đầu lập nghiệp một ki-ốt nhỏ, chuyên bán sách cũ và sách giáo khoa trên đường Nguyễn Văn Cừ, với 5 nhân viên cùng nhen nhóm ước mơ…
Ngay từ những ngày đầu lập nghiệp gian nan ấy, Võ Thành Tân đã nhận định chính xác về lĩnh vực sách, văn hóa phẩm còn là mảnh đất hoang sơ thiếu người vỡ hoá. Anh vỡ hoá theo cách riêng của mình, khác với cách kinh doanh của hệ thống phát hành sách thời bao cấp quốc doanh. Thế nên đến bây giờ, khi nhiều doanh nghiệp nhà nước phát hành sách lao đao vì thiếu vốn, thu hẹp thị trường, thì doanh nghiệp sách Thành Nghĩa của anh lại thành đạt, anh trở thành tỷ phú từ nghề kinh doanh sách. Chiến lược của Võ Thành Tân lấy ngắn nuôi dài, lấy đầu tư dài cho phát triển bền vững, mỗi năm anh đầu tư trên 50 tỷ đồng cho mục tiêu phát triển. Không chỉ kinh doanh sách, anh mua bán cả văn phòng phẩm và còn góp vốn đầu tư vào các nhà in, để liên doanh in sách chủ động cho phát hành. Là một giám đốc danh nghiệp kinh doanh giỏi, Võ Thành Tân còn là một nhà báo, Giám đốc điều hành, kiêm Trưởng đại diện của “Tạp chí Văn hiến Việt Nam” tại TP. Hồ Chí Minh; Chủ tịch HĐQT 4 công ty cổ phần (In Bến Tre, Phú Yên, Gia Lai, Đức Nghĩa) và là “ông bầu” của đội bóng đá Thành Nghĩa (Quảng Ngãi) quê anh.
Những điều chưa biết…
Giờ đây, bạn đọc biết đến Võ Thành Tân là “vua sách” - “Sao Vàng đất Việt”, “Doanh nhân trẻ xuất sắc”, “Doanh nghiệp vì sự nghiệp phát triển cộng đồng”… Nhưng ít người biết, chính anh là hậu duệ đời thứ 5 của Tổng đốc thành Gia Định - Biên Hoà - Võ Duy Ninh - người Anh hùng bảo vệ thành Biên Hoà - Gia Định chống lại thực dân Pháp, đã tuẫn tiết hy sinh vì nước ngày 17/9/1859, nêu tấm gương nghĩa khí một đời vị quốc vong thân.
Nếu không có sử sách ghi lại thì dù có tâm đến đâu, việc tìm gia phả tộc họ Võ cũng không ít khó khăn. Bởi lịch sử thăng trầm, tổ tiên gia tộc họ Võ của Võ Thành Tân, trong biến loạn của đất nước là những sỹ phu yêu nước chống thực dân Pháp, đã phải thay tên đổi họ, mai danh ẩn tích. Nhưng, cũng nhờ sử sách ghi danh gia phả dòng họ Võ, làng Đại An (Quảng Ngãi) lại sáng ngời. Dưới triều nhà Nguyễn, họ Võ ở làng Đại An có danh vị “Thế tộc Cựu thần” có công mở đất phương Nam. Dưới các thời chúa Nguyễn, họ Võ được tấn phong “Đại an Tộc, Võ sỹ thần” - quê gốc họ Võ ở làng Tiến sỹ Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương ngày nay. Tổng đốc Võ Duy Ninh là chắt nội của cao thỉ tổ Võ Văn Hiến. Võ Duy Ninh lấy bà Đào Thị Thạnh, là con gái của quan Thượng thư Đào Nguyên Phố, sinh ra Võ Duy Lập. Khi thành Gia Định - Biên Hoà thất thủ, trước sự hy sinh anh dũng của người cha, Võ Duy Lập đổi tên thành Võ Duy Dương quyết chiến như cha để rửa hận cho nước, trả thù nhà, đền ơn các nghĩa sỹ. Võ Duy Dương được coi như một “Gia Cát Lượng” văn võ kiêm toàn và bộ não của nghĩa quân Trương Định. Khi người Anh hùng nghĩa quân Trương Định chết, nghĩa sỹ đã tôn phong cho thủ lĩnh Võ Duy Dương là Thiên hộ vương với lòng tôn kính. Những huyền thoại về ông còn được lưu truyền trong sử sách một người Anh hùng bất tử, người mà khi nhắc tên, giặc Pháp đã thất vía kinh hoàng. Võ Duy Dương - Thiên hộ vương chính là cụ tổ 4 đời của nhà doanh nghiệp Võ Thành Tân.
Người ta làm giàu và phất lên nhờ buôn bán bất động sản, chơi chứng khoán, kinh doanh vàng bạc đá quý, hay lập doanh nghiệp để được giao hàng trăm ha, hàng ngàn ha đất, rồi cắt bán… rồi họ phất lên, làm giàu nhanh, trở thành tỷ phú là chuyện chẳng có gì ngạc nhiên. Còn hậu duệ đời thứ 5 của Tổng đốc Võ Duy Ninh - Võ Thành Tân lại phất lên từ hai bàn tay trắng, với nghề bán báo dạo, rồi trở thành tỷ phú, mới là chuyện lạ. Thế nhưng, đó lại là sự thực hiển nhiên đối với Võ Thành Tân. Là hậu duệ của Tổng đốc Võ Duy Ninh, Võ Thành Tân có quyền tự hào bởi cái “gen” hiếu học, cái trí thông minh, đã trở thành huyết thống của dòng họ Võ.
Không chỉ tri ân tiên tổ bằng việc công đức xây dựng lại lăng mộ Võ tộc ở quê hương Quảng Ngãi, Võ Thành Tân còn là người phát tâm công đức đúc 2 pho tượng đồng cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, dâng tặng Khu di tích cụ Phó Bảng tại Cao Lãnh (Đồng Tháp) và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Sen xứ Nghệ.
Nghiêm Thị Hằng